Phong cách thi đấu Fujii Sōta

Fujii là người chơi Cư Phi Xa[176]. Anh là tuýp kỳ thủ dành nhiều thời gian suy nghĩ, với tỉ lệ thắng đặc biệt cao tại các ván đấu có thời gian suy nghĩ dài như ở Thuận Vị Chiến và các ván thi đấu trong 2 ngày ở các trận tranh ngôi[177][178]. Tuy vậy kể cả khi có ít thời gian, Fujii vẫn rất mạnh với độ chính xác đáng kinh ngạc ở tàn cuộc - điều này có thể do kinh nghiệm được tích luỹ từ thói quen giải cờ chiếu hết từ nhỏ[179][180]. Fujii nghiên cứu rất sâu khai cuộc[181][182], có năng lực phân tích thế cờ tốt ở trung cuộc[182] và độ sắc bén ở tàn cuộc,[180][182] cũng như kỹ năng tấn công trong 1 nước đi và phòng thủ rất kín kẽ[183][184]. Fujii là kỳ thủ mạnh toàn diện, không có chiến pháp nào quá sở trường, và được cho là không có điểm yếu[182][184][185]. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021, Fujii nói rằng "Trong lúc suy nghĩ (trong ván cờ), cơ bản không cần gì ngoài đọc cờ và đánh giá thế trận", ngụ ý rằng anh không bị những yếu tố như "kinh nghiệm" hay "trực giác" ảnh hưởng lên ván đấu - điều mà khá nhiều người coi trọng[177].

Chiến pháp

Chiến pháp thuận tay của Fujii khi đi Tiên vào khoảng năm 2016 giữa mùa Giải Tam đẳng ở Trường Đào tạo là khai cuộc Yagura. Từ giữa mùa giải này, Fujii cũng bắt đầu chơi khai cuộc Đổi Tượng, được cho là phù hợp với anh bởi khả năng sử dụng Tượng và Mã rất tốt của Fujii[183][186][187][188][189]. Anh hay sử dụng Yagura ở mùa giải 2020[190][191], sau 2021 là Đối công cánh Xe (Aigakari)[192] và từ giữa mùa giải 2022 anh lại quay về Đổi Tượng, như vậy mỗi giai đoạn anh lại có một chiến pháp "tủ" khác nhau[193]. Bởi Fujii đã đạt tới tỉ lệ thắng trên 90% khi sử dụng Aigakari khi cầm Tiên, nhiều kỳ thủ hoài nghi việc anh thay đổi chiến pháp qua các năm, nhưng cũng có người giải thích rằng "Lựa chọn chiến pháp phù hợp với bản thân tuỳ từng thời điểm mới đúng là "Phong cách Fujii"."[194]

Trong các ván cầm Hậu từ khi lên chuyên, Fujii thường đáp trả nước đầu tiên bằng nước T-84, và khi đối đầu với Yagura anh thường thu hẹp các chiến pháp mình sử dụng, thường là Tấn công nhanh. Anh không sử dụng những khai cuộc như Bắt Tốt ngang (Yokofudori) hay Gangi, mặc kệ chiến pháp đối phương sử dụng, và bám sát với những khai cuộc thuận tay của mình[191][184]. Tuy nhiên, ở Ván 3 trong Loạt 7 ván tranh ngôi Danh Nhân Chiến kỳ 81, để đối phó với những nước đi của đối phương, anh đã chọn từ chối đổi Tượng và xây thành Gangi[195][196].

Các kỳ thủ chuyên nghiệp thường sử dụng nhiều chiến pháp để cố gắng vượt mặt các nghiên cứu của đối phương, và hiếm có ai cố định chiến pháp mình sử dụng qua các ván đấu khác nhau như Fujii[197][198]. Về việc xây thành, Fujii nói: "Tôi không thực sự thích thành nào cả", "Tôi nhìn vào hình trận của đối phương để quyết định cách xây thành."[199]

Nghiên cứu với phần mềm shogi

Fujii bắt đầu sử dụng phần mềm shogi để nghiên cứu từ khoảng tháng 5 năm 2016 lúc anh còn đang Tam đẳng, theo đề xuất của Chida Shota[188]. Chida cũng là người chỉ cho anh cách cài đặt phần mềm shogi lên máy tính. Người ta cho rằng việc Fujii thay đổi chiến pháp từ Yagura sang Đổi Tượng trong thời kỳ Tam đẳng là do ảnh hưởng của việc nghiên cứu bằng phần mềm[188]. Hơn nữa, Fujii là người không thích chơi những ván cờ biến động và mạo hiểm nên không chủ động chọn khai cuộc Aigakari khi cầm Tiên từ khi anh lên chuyên, tuy nhiên do ảnh hưởng của phần mềm học sâu dlshogi - phần mềm được cho là mang lại những góc nhìn mới mà Fujii bắt đầu sử dụng trong nghiên cứu từ mùa thu năm 2020[192], Fujii đã sử dụng chiến pháp Aigakari nhiều hơn trong khoảng từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022[189][192][200].

Vào năm 2020, anh tiết lộ rằng anh đang sử dụng phần mềm shogi Suisho[lower-alpha 5][201] - một phần mềm chạy bằng CPU được xây dựng trên cơ sở NNUE[202][203]. Sau đó vào khoảng cuối Vòng Xác định Khiêu chiến giả của Vương Tướng Chiến kỳ 69 (2020), Fujii là một trong các kỳ thủ đầu tiên giới thiệu phần mềm dlshogi - phần mềm học sâu chạy bằng GPU. Fujii nhận định rằng dlshogi phân tích khai cuộc tốt hơn các phần mềm shogi thông thường chạy bằng CPU, nhưng cũng đánh giá cao Suisho hơn về độ chính xác khi phân tích cờ tàn. Một số người cũng chỉ ra rằng họ nhìn thấy những nước đi mang tính đặc trưng của phần mềm shogi học sâu khi sử dụng dlshogi để nghiên cứu.

Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2021, Fujii cũng nói rằng anh không chỉ nghiên cứu shogi bằng những phương pháp thông thường như nghiên cứu kỳ phổ và cờ chiếu hết (tsumeshogi), mà còn đánh tập với máy từ các thế cờ cân bằng[lower-alpha 6] được dùng để phát triển phần mềm shogi để giúp anh tăng khả năng nhận định thế trận ở trung cuộc[204]. Nhà phát triển phần mềm Suisho là Sugimura Tatsuya đã phát biểu rằng: "Đây là cách sử dụng phần mềm rất độc đáo mà tôi chưa từng thấy bao giờ."

"Đường cong Fujii"

Trong các ván đấu được phát sóng trực tuyến, tỉ lệ thắng do phần mềm tính ra theo thế trận thực tế trên bàn cờ thường được thể hiện theo mỗi nước đi trên một đồ thị, tuy nhiên trong đồ thị các ván thắng của Fujii, tỉ lệ thắng thường tăng lên rất đều mà không có sự sụt giảm hay lật ngược thế trận và thường tạo ra một đường cong mềm mại[205]. Những đồ thị như vậy thể hiện phong cách thi đấu của Fujii - tích luỹ những lợi thế dù là nhỏ nhất và không để mắc những sai lầm nghiêm trọng, và được gọi là "đường cong Fujii" cũng như được báo chí và truyền thông nhắc đến rất nhiều từ năm 2021[206][207]. Bởi Fujii rất cẩn thận chắc chắn, tích luỹ từng lợi thế nhỏ nhất và không để mắc sai lầm, thường các đối thủ của anh sẽ trả lời phỏng vấn sau khi thua cuộc rằng: "Tự nhiên tôi thấy thế cờ bất lợi dần đi", hoặc "Tôi không biết tôi đã đánh mất thế trận vào lúc nào"[208].

Cách suy nghĩ độc đáo

Thông thường một kỳ thủ chuyên nghiệp khi suy nghĩ trong ván cờ sẽ tưởng tượng ra một bàn cờ shogi trong đầu và thử đi quân trên bàn cờ tưởng tượng ấy. Tuy nhiên Fujii nói rằng anh không dùng bàn cờ tưởng tượng trong đầu và những nước đi tự đến với anh, điều này đã làm cả những kỳ thủ chuyên nghiệp không khỏi ngạc nhiên[209]. Anh cũng nói rằng anh có thể giải được các bài chiếu hết ngắn ngay khi anh nhìn thấy đề bài, giải thích rằng "Trước khi tôi chủ động suy nghĩ thì chắc là trong tiềm thức tôi cũng đã đọc cờ và có lẽ nó đã tạo ra cảm hứng suy nghĩ.[210]"

Công nhận từ các kỳ thủ khác

Vào ngày 4 tháng 1 năm 2017, trước khi chuỗi thắng 29 ván của Fujii trở thành chủ đề nóng, Habu Yoshiharu đã nói với Tanigawa Kōji trong một chương trình talkshow rằng "Vốn Fujii làm nên tên tuổi từ cuộc thi giải cờ chiếu hết, nhưng cậu ấy cũng đang tiến bộ từng ngày. Cách cậu ta kết thúc ván cờ nhanh nhất có thể khá giống với "Cờ tàn tốc độ ánh sáng" của Tanigawa tiên sinh"[211]. Sau này, khi chuỗi 29 trận thắng của Fujii đang gây nhiều sự chú ý, vào ngày 15 tháng 6 năm 2017 Habu cũng đã nhận xét rằng lối chơi của Fujii làm ông liên tưởng đến "Cờ tàn tốc độ ánh sáng"[212].

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Masuda Yasuhiro đã nhận xét về năng lực khai cuộc của Fujii rằng: "Không phải là cậu ta nghiên cứu khai cuộc mà là cậu ta nghĩ ra những nước đi tốt ngay trong ván đấu, nên rất khó để bắt chước lối chơi của cậu ta."[213]

Ngay sau khi thua trận đầu tiên đối đầu với Fujii vào ngày 16 tháng 2 năm 2019[214], Watanabe Akira đã đăng tải lên blog nói rằng: "Cậu ta đọc cờ rất sâu, hiểu sâu về khai cuộc, và (hiện tại) tôi không thể tìm được điểm yếu nào của cậu ta."[215] Trong một cuộc phỏng vấn, Watanabe nhận xét rằng: "Fujii đánh cờ tàn với phong cách tương tự như Tanigawa, và trong tình hình hiện nay càng ngày có càng nhiều kỳ thủ định hình phong cách khai cuộc thì một kỳ thủ có phong cách tàn cuộc đặc trưng như Fujii có thể sẽ trở nên giá trị."[216] Sau này, Watanabe lại đối đầu với Fujii trong loạt 5 ván tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 91, anh nhận xét Fujii ở ván 1 là "cậu ta thắng như cách Tanigawa tiên sinh thắng vậy", và ở ván 2 là "thắng ván cờ từ trung cuộc [...] bằng một nước đi đơn giản nhưng giành lợi thế quyết định [...] hệt như Habu vậy", và "cậu ta có thể giành chiến thắng dẫu thế trận có phát triển ra sao"[217].

Tanigawa Kōji nhận xét rằng: "Khi Fujii mới lên chuyên, cậu ta thường thắng các ván đấu nhờ lật ngược thế cờ từ một tình thế khó khăn bằng khả năng đánh cờ tàn được tôi rèn từ việc giải cờ chiếu hết. Tuy nhiên trong những ván đấu gần đây (tại thời điểm đó là tháng 10 năm 2021), cách mà cậu ta giành chiến thắng đã thay đổi - giờ đây là do những nước đi chính xác ở khai cuộc, cũng như do cảm quan ("cảm hứng") của cậu để bắt được những điểm mấu chốt của thế cờ đã trở nên chính xác hơn rất nhiều". Ông cũng nhận xét rằng sức mạnh lớn nhất của Fujii Sōta là khả năng tập trung và suy nghĩ trong thời gian dài. Fujii nổi bật hơn hẳn so với các kỳ thủ chuyên nghiệp cũng có khả năng tương tự, và có thể suy nghĩ cả ngày mà không mất tập trung trong ván đấu.[20]

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 2022, Nagase Takuya đã được hỏi rằng anh nghĩ điểm mạnh của Fujii là gì, và anh nhận xét rằng: "Fujii mạnh ở tàn cuộc, và Fujii cũng có tinh thần thi đấu rất máu lửa."[218] Về câu hỏi rằng khả năng của Fujii là do tài năng thiên phú hay do nỗ lực chăm chỉ mà thành, Nagase cho rằng: "Tôi đã chứng kiến quá trình Fujii trưởng thành, nên tôi nghĩ là do chăm chỉ, nhưng tất nhiên Fujii cũng sở hữu tài năng tuyệt vời. Nếu của tôi là "9 phần nỗ lực, 1 phần tài năng" thì của Fujii chắc phải là "10 phần nỗ lực, 10 phần tài năng" đấy."[219]

Ảnh hưởng từ các kỳ thủ khác

Fujii nói rằng "Tôi không đặc biệt ngưỡng mộ bậc tiền bối (kỳ thủ shogi chuyên nghiệp) nào cả, tôi chỉ học hỏi những điều tốt nhất từ họ thôi"[220]. Anh cũng nói rằng "Cờ tàn tốc độ ánh sáng" của Tanigawa Kōji là "điều mà tôi ngưỡng mộ từ khi còn nhỏ"[221]. Khi anh còn đang ở trong Trường Đào tạo, anh học từ cuốn "Ōyama Yasuharu toàn tập - Tập 1: Cho đến khi giành Ngũ quán". Sau này anh nhận xét rằng: "Ōyama tiên sinh có khả năng phi thường khi sắp xếp thế trận cân bằng để đối phó với các đòn tấn công của đối phương thay vì phòng thủ một cách tiêu cực. Ngay cả khi bây giờ tôi xem các ván cờ từ rất lâu của tiên sinh, tôi vẫn cảm nhận được sự tính toán trước của ông"[222]. Sau khi lên chuyên, anh được phỏng vấn về huyền thoại Habu Yoshiharu và trả lời rằng "từng ngưỡng mộ ông với tư cách một người xa lạ", nhưng "tôi phải thoát khỏi sự ngưỡng mộ đó để thi đấu."[223][224]

Nagase Takuya là kỳ thủ duy nhất Fujii luyện tập (nghiên cứu 1 vs 1) cùng sau khi lên chuyên[225]. Khoảng 1-2 lần mỗi tháng Fujii sẽ đến Tokyo hoặc Nagase sẽ đến Aichi và đánh cờ ở nhà của bố mẹ sư phụ Sugimoto của Fujii[226]. Dù hai người sẽ nghỉ đánh tập khi gặp nhau trong một trận tranh ngôi, họ vẫn tiếp tục đánh tập với nhau sau khi loạt trận đó đã được định đoạt[227]. Nagase ấn tượng với tài năng và sự khiêm tốn của Fujii, và Fujii cũng đồng tình với niềm tin của Nagase rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim"[228]. Họ là hai người bạn tôn trọng và công nhận lẫn nhau dẫu họ có đang cạnh tranh với nhau trong các giải danh hiệu[229]. Về kỹ thuật shogi, Fujii đánh giá cao khả năng đỡ đòn tấn công của Nagase, và nói rằng anh đã học được một ít kỹ thuật của Nagase thông qua đấu tập[227].

Cả khi đối đầu với các kỳ thủ hàng đầu cùng nhiều chiến thuật khác nhau, Fujii vẫn kiên nhẫn dành thời gian và vượt qua những vấn đề của mình để giành chiến thắng. Tanigawa Kōji nhận xét rằng: "Mọi đối thủ Fujii từng gặp đều đang giúp cho Fujii trở nên mạnh hơn"[230][231]. Trong loạt tranh ngôi Vương Tướng Chiến kỳ 72 đối đầu với Habu Yoshiharu, Fujii đã gặp phải những chiến thuật khác nhau trong mỗi ván đấu, và sau này Katsumata Kiyokazu Thất đẳng đã so sánh cách đi của Fujii trong loạt Danh Nhân Chiến kỳ 81 với những nước đi của Habu trong loạt Vương Tướng Chiến kỳ 72, nhận xét rằng Fujii đã tiếp thu được phong cách của Habu "nhường nước đi cho đối phương khi khó đưa ra nước đi tốt nhất" và "kết hợp nhanh chậm để điều chỉnh nhịp độ của thế trận".[232]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Fujii Sōta https://www.sponichi.co.jp/entertainment/news/2023... https://www.shogi.or.jp/player/pro/307.html https://www.japantimes.co.jp/news/2017/06/27/natio... https://web.archive.org/web/20180403193807/https:/... https://www.shogi.or.jp/event/2011/08/10_5.html https://web.archive.org/web/20120715062115/http://... http://www.jti.co.jp/knowledge/shogi-kids/k_taikai... https://www.nikkei.com/article/DGXLASFD30H0E_Q7A53... http://www.asahi.com/articles/ASHBL5G7NHBLPTFC00G.... https://www.shogi.or.jp/match/shoreikai/sandan/58/...